Hôm nay Chúa Cứu Thế đã Giáng Sinh cho chúng ta
1.Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào?
Trong cuốn sách “Mary Knoll”, tác giả Joseph Healy kể câu truyện sau đây.
Một chú bé Phi Châu tên là Em-ma-nu-en có tính tò mò thắc mắc. Ngày nọ chú hỏi thầy giáo: “Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào?” Thầy giáo gãi đầu đáp: “Nói thật là Thầy không biết”. Nhưng em cứ thắc mắc mãi, quyết tìm được người trả lời chính xác cho em. Và em tin chắc sẽ tìm được người đó.
Thế là em bỏ công đi tìm. Đi hết xóm này đến xóm khác, hết làng này đến làng kia, nhưng em vẫn chưa tìm được người trả lời cho em hết thắc mắc. Ngày nọ, em đi đến một làng, hỏi thăm thì biết đó là làng Bê-lem. Nhưng trời đã tối, em phải tìm chỗ nghỉ đêm. Không ai cho trú đêm, buộc lòng em phải vào một cái hang. Khổ nổi khi vào trong hang, em thấy đã có đôi vợ chồng và đứa hài nhi đang trú ngụ. Vừa thấy em, bà mẹ liền nói: “Hân hạnh chào em Em-ma-nu-en. Chúng ta đang chờ em đây…”
Em-ma-nu-en hết sức kinh ngạc tự hỏi: “Sao bà này biết tên mình mà chờ mình?” Và em chưa kịp nói gì thì bà ấy nói tiếp: “Từ lâu em tìm hỏi cho biết Thiên Chúa nói thứ tiếng nào? Nay em sẽ mãn nguyện, Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng Tình Yêu. Vì Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người”.
Nghe tới đó, Em-ma-nu-en trào dâng xúc động. Em vội vàng quỳ xuống trước Hài Nhi và mừng rỡ khóc òa lên!... Giờ đây em biết Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng Tình Yêu, thứ tiếng mà mọi người đếu có thể hiểu được, và sẵn sàng chấp nhận, vì có bao giờ con người khước từ tình yêu, nhất là tình yêu giải phóng, tình yêu cứu độ, tình yêu đem lại an bình hạnh phúc…
----------
Thề là Em-ma-nu-en đã mãn nguyện. Em vội vã trở về gặp thầy giáo và những người em đã hỏi hôm trước, nói cho họ biết điều em vừa khám phá, vì em tự nhủ: “Tôi đã biết Chúa dùng thứ tiếng nào để nói thì tôi cũng phải nói thứ tiếng đó, và giúp cho mọi người nói tiếng nói của tình yêu, để thế giới được hòa bình, con người được hạnh phúc…”
Tôi có nên làm như Em-ma-nu-en không?...
Tôi cần nói thứ tiếng đó với Chúa và anh chị em tôi không? Muốn nói được thứ tiếng đó, tôi phải làm gì? (Theo Cha M. Link)
2. Năng lượng nổ kinh khủng
Trong một cuộc du hành đến Đất Thánh, James Martin mua một bộ tượng Giáng Sinh, trong đó có Chúa Hài Đồng, Đức Mẹ, Thánh Giuse và mục đồng. Khi ông tới phi trường Tel Aviv để trở lại Hoa Kỳ, hải quan kiểm soát rất gắt. Họ nói: “Chúng tôi không được phép bỏ qua một trường hợp nào. Chúng tôi phải biết chắc chắn trong bộ tượng này không có chất nổ”. Martin tự nghĩ: Phải chi nhân viên hải quan biết: bộ tượng này hàm chứa một năng lượng nổ khủng khiếp nhứt…”
Năng lượng nổ kinh khủng mà Martin muốn nói là chính sứ điệp Chúa Giêsu mang đến cho thế giới. Trong đêm Giáng Sinh của Người. Sứ điệp đó gồm hai mặt.
Trước hết là Thiên Chúa yêu thương chúng ta, yêu thương từng người trong chúng ta, không trừ ai và cũng chẳng đòi điều kiện gì. Người yêu thương chúng ta đế nỗi đã ban Con Một yêu quý của Người cho chúng ta.
Mặt sau của sứ điệp Chúa Cứu Thế mang đến cho thế giới, đó là Thiên Chúa là Cha của chúng ta, và chúng ta tất cả là anh chị em trong Nhà Người.
--------
Sứ điệp hai mặt này là món quà Giáng Sinh Thiên Chúa tặng ban cho mỗi người chúng ta. Và những gì chúng ta làm được cho Chúa và cho anh em chúng ta chính là món quà chúng ta dâng tặng lên Thiên Chúa. Chúng ta đã làm được gì để dâng tặng lên Thiên Chúa chưa?
(Theo Cha M. Link)
3. Làm sao lên trời để vào máy bay?
Trong thế chiến thứ 2, người ta rất ít thấy máy bay. Một hôm vào dịp lễ Giáng Sinh, đôi vợ chồng và các con ra ngoài trời xem phong cảnh. Bỗng một chiếc máy bay trên đầu họ. Người mẹ vội nói to với các con: “Có thể cậu các con ở trong máy bay đó. Chúng ta hãy vẫy tay lên. Có thể cậu ấy thấy chúng ta”. Cả trẻ liền nhảy lên nhảy xuống vẫy tay và la khan cả họng mà chẳng thấy cậu nào hết. Chiếc máy bay vừa bay qua xong đứa trẻ nhỏ nhất quay lại hỏi ba nó: “Làm sao leo lên trời để vào máy bay hả ba? Ba nó cười và giải thích” “Không phải hành khách leo lên trời để vào máy bay, mà máy bay từ trời đáp xuống đất rước hành khách…”
--------
Câu truyện trên là một minh họa tuyệt đẹp cho ý nghĩa ngày lễ Giáng sinh hôm nay. Chúa từ trời cao ngự xuống với chúng ta, chớ chẳng phải chúng ta leo lên trời đến với Chúa. Tại sao thế? Phải chăng vì Chúa cần chúng ta? Một văn sĩ Kitô giáo đã trả lời cho chúng ta: “Chỉ có tình yêu mới làm được điều kỳ diệu ấy!...”
4. Lễ của hòa bình
Năm 1985, nhâp dịp cựu tổng thống Reagan của Hoa Kỳ đến đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các chiến sĩ Đức bỏ mình trong trận thế chiến thứ hai, ông kể câu chuyện sau đây:
Ngày nọ xảy ra một cuộc đụng độ giữa quân đồng minh và Đức quốc xã. Sau một lúc giao tranh, lính Mỹ lọt vào vòng kiểm soát của Đức quốc xã, trong đó có một người bị thương. Cả ba rón rén bước vào nhà một người đàn bà. Mặc dù chưa biết rõ cho kẻ thù tá túc là một tội, bà vẫn rước ba người vào nhà và dọn thức ăn cho họ. Đó là phần ăn của bả, và đứa con. Ngay lúc đó có tiếng gõ cửa. Bà sợ hãi, nhưng nói như ra lệnh:
-Yêu cầu các người đừng bắn giết nhau trong nhà tôi.
Nói xong, bà mở cửa cho mấy người lính Đức vào. Bà rất mừng vì thấy họ biết nghe lời bà bỏ súng xuống và ngồi bên ba người lính Mỹ dùng bữa. Và sau đó, một người lính Đức còn băng vết thương cho người lính Mỹ.
----------
“Không có mầu nhiệm nào của Thiên Chúa mà không gắn liền với cuộc sống của con người. Sự kiện Ngôi Hai sinh ra làm người đã thấm nhập một cách sâu đậm vào trong cuộc sống con người, đến nỗi ngày nay chúng ta có lý khẳng định: “Lễ Giáng Sinh là lễ của gia đình, lễ của hòa bình, lễ của gặp gỡ, lễ của chia sẻ và nhất là lễ của tha thứ” và đến nỗi ngày nay mỗi nghĩa cử xây dựng hòa bình, mỗi một cử chỉ trao ban, mỗi một cử chỉ cảm thông và tha thứ đều là một cử hành lễ Giáng Sinh.
Ước gì những cử chỉ yêu thương không ngừng được nhân lên để cho cuộc sống của chúng ta cũng đều trở thành một lễ Giáng Sinh bất tận
(Theo “Phút cầu nguyện cuối ngày”, tập 1).
5. Một trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ
Nhật báo Le Figaro, số ra ngày 24 tháng 12 năm 1995, có đăng tải chứng từ của nữ tu Emmanuen.
Tại một khu ổ chuột ở ngoại ô thủ đô Cairô, người ta không cử hành lễ Giáng Sinh nữa, vì nghèo quá. Tôi đến gặp Đức Thượng Phụ Sinoda, xin ngài cho một linh mục đến dâng thánh lễ nửa đêm Giáng Sinh tại đó.
Tin vui này được loan ra, mọi người hăng hái quét dọn rác rưởi, một vài miếng giẻ rách màu được giăng lên, nhiều ngọn đèn dầu đủ soi sáng một khu vực nhỏ, mỗi người cầm thêm trong tay một cây nến.
Khi tiếng hát Giáng Sinh được cất lên “Đấng Cứu Thế đã sinh ra…”, mọi vật xung quanh khu ổ chuột này đều thức giấc hòa ca: lừa kêu bebe, gà gáy ó o. Thật là một bản nhạc mừng Chúa Giáng Sinh vô cùng độc đáo chẳng khác gì hang Bê lem ngày trước. Vị linh mục cử hành Thánh Lễ không cần giảng nhiều lời, vì mọi người đều cảm thông sâu sắc cảnh Chúa sinh ra nghèo khó vì thương họ. Thế nên Ngài chỉ vắn tắt giải thích: “Nếu Chúa Giêsu giáng trần một lần nữa, hẳn Người sẽ đến đây mang sứ điệp Tình Yêu của Người, để chia sẻ nỗi thống khổ của anh chị em, để Người đồng hành với anh chị em, Người sống với anh chị em trong khu ổ chuột này…
Thánh lễ hoàn tất, tôi phân phát cho mỗi người một quả quit và chiếc bánh nhỏ. Mọi người chúc binh an cho nhau, rồi trở về lều của mình, lòng khấp khởi niềm vui Giáng Sinh!...
----------
Niềm vui Giáng Sinh không đến từ những bữa tiệc linh đình, trong cảnh huy hoàng giàu sang, mà đến từ những tấm lòng đơn sơ nghèo khó, nhưng đầy tình người tình Chúa…
Đấy là bài học mà lễ Giáng Sinh cống hiến cho chúng ta. Niềm hạnh phúc trong sự trần trụi. Một phụ nữ nghèo sinh con trong một hang bò lừa, một hài nhi được đặt nằm trong máng cỏ, có thêm sự hiện diện của vài ba mục đồng nghèo nàn. Nhưng tất cả khung cảnh đơn nghèo đó được tràn ngập trong ánh sáng chan hòa, trong tình thương đậm đà nồng ấm
(Theo “Phép lạ trên biển cả”)
- Thánh Kinh Đặc Biệt:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét