Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?" Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi". Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: "Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?" Nàng đáp: "Thưa Thầy, không có ai". Chúa Giêsu bảo: "Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM:
“Tôi không lên án chị đâu. Chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.” (Ga 8,11)
Chiếu theo luật Do Thái, cái giá mà ‘người phụ nữ ngọai tình’ này phải trả là án tử hình. Nếu người ta giết chị, điều đó hẳn cũng… bình thường thôi. Luật mà! Nhưng sự việc đã không diễn ra như thế, vì có Đức Giê-su ở đó! Và Ngài đang bị buộc phải đưa ra một lời tuyên án. Trái với lòng mong đợi của những kẻ tố cáo và sắp ném đá người phụ nữ này, Đức Giê-su chất vấn lương tâm của chính họ. Công tố viên bỗng nhiên trở thành bị cáo. Không ai dám tự nhận mình là vô tội để ném viên đá đầu tiên. Họ đã không thể giết chị vì Đức Giê-su, con người vô tội duy nhất ở đó, cũng không kết án chị. Điều luật kia, đối với Người, là hoàn toàn vô nghĩa. Người phụ nữ được trắng án và tha bổng kèm theo lời nhắc nhở: “Từ nay đừng phạm tội nữa!”
Mỗi lần lãnh nhận ơn tha thứ trong bí tích giao hòa, chúng ta cũng được Chúa nhắc bảo ‘đừng phạm tội nữa!’ Nghĩa là Ngài cũng ban cho chúng ta cái khả năng giữ mình tinh sạch kể từ đây - (vì chẳng lẽ Chúa bảo ta làm một điều vượt quá khả năng mình!)
Để không phạm tội nữa, chúng ta – những con người yếu đuối – phải dựa vào một điểm tựa. Theo bạn, đâu là điểm tựa ấy và phải làm sao để đừng vụt mất điểm tựa ấy?
Mỗi lần lãnh nhận bí tích hoà giải, bạn cộng tác với ơn Chúa bằng việc “ăn năn dốc lòng chừa” một cách tích cực và cụ thể để “từ nay đừng phạm tội nữa”.
CẦU NGUYỆN:
Con nay trở về cùng Chúa, Chúa ơi. Quyết chí ăn năn chừa lỗi, đây trái tim con tận hiến Ngài.(TL.net)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét