Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm. Vì đông dân chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. Vì chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến gần để động đến Người. Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: "Ngài là Con Thiên Chúa", nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM:
Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.(Mc 3,10)
Trang Wikipedia liệt kê các danh y trong lịch sử, gồm gần 100 danh y bên Tây và 24 danh y bên Đông, nhưng không thấy có tên “Giê-su.” Có lẽ không phải vì người thống kê quên sót, mà vì Chúa Giê-su còn hơn là một danh y nữa. Dù sao, phải nhận rằng ngòi bút của các tác giả Sách Tin Mừng, cách riêng của Mác-cô, khắc hoạ Chúa Giê-su là một nhà chữa bệnh tuyệt vời: người ta từ khắp các nơi lũ lượt đến với Người; Người chữa lành nhiều bệnh nhân khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. Đức Phật thấy cuộc đời là sinh, lão, bệnh, tử; nhưng trong thực tế bệnh tật không chỉ chiếm có một phần tư biển khổ của nhân loại, mà hẳn gấp nhiều lần hơn thế. Hơn nữa, nỗi khổ do bệnh tật lại rơi vào đại đa số người nghèo. Là hiện thân của Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Chúa Giê-su không chỉ là Đấng chữa lành những tật bệnh phần xác, mà cả những thương tích của linh hồn nữa.
Nhìn kỹ Chúa Giê-su trong cả cuộc đời và sứ vụ của Người, cho tới biến cố thập giá, để thấy có lương y nào chữa trị tật bệnh con người bằng cách mang lấy những bệnh tật và gánh lấy những đau khổ của người ta như Chúa Giê-su, người Tôi Trung của Gia-vê?
Bạn có nghĩ rằng mỗi chúng ta đều cần được chữa trị và cũng đồng thời có sứ mạng chữa trị không?
STa tập nhạy cảm với những nỗi đau thể lý và tinh thần của người xung quanh, để góp một chút gì trong khả năng mình (một lời nói, một nụ cười...) đem lại sự xoa dịu cho họ.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa!
(TL.net)
(TL.net)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét