Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

PHÚC ÂM: Lc 14, 1. 7-11 "Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên"(31-10).

Filled under:



Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, †nhằm một ngày Sabbat‡ Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:

"Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: 'Xin ông nhường chỗ cho người này', bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến nói với ngươi rằng: 'Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên', bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc.

"Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM:
“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. ” (Lc 14,11)
  Cuốn Đắc Nhân Tâm của D. Carnegie đã giúp cho nhiều người thành công trong kinh doanh cũng như trong giao tế đời thường. Tỷ phú Mỹ W. Buffett thú nhận rằng cuốn sách ấy đã thay đổi cuộc đời ông. Khi dạy ta chọn chỗ cuối để rồi sẽ được mời lên cỗ nhất, Đức Giê-su không nhằm dạy ta bài học về đắc nhân tâm hay xử thế trong bữa tiệc để thành công trong cuộc sống. Người đã chọn chỗ cuối trong “bàn tiệc cuộc đời” là chính Ngài. Thật vậy, Ngài đã hạ mình từ một vị Chúa trở thành con người, một người thợ thủ công nghèo, sinh sống ở ngôi làng quê hẻo lánh. Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, thường lân la, thân thiết với những kẻ hèn kém, tội lỗi. Cuối cùng, đỉnh cao của “bàn tiệc” ấy là cái chết đau thương trên thập giá.

Chọn chỗ cuối như vậy, rốt cuộc, Đức Giê-su lại được siêu tôn trong mầu nhiệm phục sinh vinh hiển. Bạn cũng được mời gọi sống như Ngài, chọn chỗ cuối trong “bàn tiệc cuộc đời” qua nỗ lực chống lại cám dỗ của thèm muốn chức tước, vinh dự, quyền lực, tranh giành ảnh hưởng. Chắc chắn, chính Chúa sẽ là chủ bàn tiệc mời bạn ngồi vào bàn tiệc Nước Trời với Ngài.

 Tôi tập sống hạ mình khiêm tốn, không nghĩ mình xứng đáng hơn người khác, không tranh giành ảnh hưởng với người anh em.
 CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã vui lòng chọn chỗ cuối trong “bàn tiệc” trần gian. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, luôn biết chọn chỗ cuối trong cộng đoàn để phục vụ người khác, thay cho thái độ thèm muốn chức tước, quyền lực. Amen. (TL.net)


Posted By Phượng Nguyễn19:33

PHÚC ÂM: Lc 14, 1-6 "Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không kéo nó lên sao?"

Filled under:


 Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào dùng bữa trong nhà một thủ lãnh biệt phái, thì những người hiện diện ở đó dòm xét Người. Bấy giờ có một người mắc bệnh thuỷ thũng ở trước mặt Người. Chúa Giêsu lên tiếng hỏi các Luật sĩ và biệt phái rằng: "Trong ngày Sabbat, có được phép chữa bệnh không?" Các ông ấy làm thinh. Bấy giờ Người kéo kẻ ấy lại, và chữa lành, rồi cho về. Đoạn Người bảo các ông rằng: "Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?" Nhưng các ông không thể trả lời câu hỏi ấy. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM:
 “Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát hay không?” (Lc 14,3).

 Đối với người Do thái, luật ngày sa-bát có một vị thế tối quan trọng, bởi sa-bát là ngày thánh dành cho Đức Chúa (x. Xh 20). Ngoài chiều kích tôn giáo, luật ngày sa-bát còn có mục đích nhân đạo, nghĩa là trong ngày này, dân Chúa sẽ được nghỉ ngơi sau sáu ngày làm việc vất vả. Tuy nhiên, qua dòng thời gian, ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của ngày sa-bát đã mai một đi bởi thái độ nệ luật của giới lãnh đạo Do thái. Vốn khởi đi từ một luật vị nhân sinh, thì giờ đây luật ngày sa-bát trở thành một sự cưỡng ép, một cơ hội để luận tội. Trong bối cảnh đó, với câu hỏi “có được chữa bệnh ngày sa-bát hay không?” Chúa Giê-su đưa nhóm Pha-ri-sêu trở về với ý nghĩa nguồn cội của luật ngày sa-bát: tôn vinh Thiên Chúa bằng cách thực thi đức ái. Chính tình yêu là khởi điểm và cùng đích của mọi lề luật kể cả luật giữ ngày sa-bát.
 Khi chữa lành cho người mắc bệnh phù thũng trong ngày sa-bát, Chúa Giê-su chỉ cho thấy sống đức ái là cách thức tôn vinh Thiên Chúa trọn hảo nhất. Đây chính là phương thế hữu hiệu nhất làm cho Danh Chúa được tỏa sáng trước mặt mọi người.

 Chia sẻ về khó khăn khiến bạn ngại dấn thân phục vụ tha nhân.

 Tôi thánh hóa ngày Chúa nhật bằng cách dâng lễ cách sốt sắng, thăm viếng người đau ốm, cao tuổi, hoặc giúp đỡ một người nghèo.
  Lạy Chúa, thế giới hôm nay lạnh lẽo hơn vì thiếu vắng tình người. Xin giúp con thắp lên ngọn lửa yêu thương qua việc đón nhận, săn sóc những người hoạn nạn, thiếu thốn chung quanh con. Nhờ đó, tình thương của Chúa được lan tỏa cho mọi người.(TL.net)

Posted By Phượng Nguyễn19:27

PHÚC ÂM: Lc 13, 31-35 "Không lẽ một tiên tri phải giết chết ngoài thành Giêrusalem?"

Filled under:


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Trong ngày ấy, có mấy người biệt phái đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: "Xin Thầy lên đường và đi khỏi đây, vì Hêrôđê toan giết Thầy". Người trả lời: "Các ông hãy đi nói với con cáo đó rằng: 'Đây Ta trừ quỷ và chữa lành bệnh tật hôm nay và ngày mai, rồi ngày thứ ba Ta hoàn tất cuộc đời. Nhưng hôm nay, ngày mai và ngày hôm sau nữa, Ta còn phải đi đường, vì không lẽ một tiên tri bị giết chết ngoài thành Giêrusalem'.

"Ôi Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết hại các tiên tri và ném đá những người đã được sai đến cùng ngươi. Đã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi, như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, thế mà ngươi đã không muốn. Thì đây, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang vu. Nhưng Ta bảo cho các ngươi hay: Các ngươi sẽ không còn xem thấy Ta, cho đến khi các ngươi sẽ nói rằng: 'Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!' "  Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM:Có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa với Đức Giê-su rằng: “Xin ông đi ra khỏi, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông!” Người bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này. Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất.” (Lc 13,31-35)
 Một lần kia, thánh Gioan Bosco hỏi các học sinh của ngài đang chơi đùa: Nếu ngay bây giờ, các con biết mình sắp chết, các con sẽ làm gì? Thánh Đa-minh Sa-vi-ô điềm nhiên trả lời: Nếu trong giây lát con sẽ chết, con vẫn tiếp tục chơi. Đón nhận cái chết một cách bình thản, điềm tĩnh đã là thái độ đáng khâm phục của các bậc triết nhân. Là Con Thiên Chúa nhập thể, Chúa Giê-su cũng không tránh khỏi nỗi lo âu sợ hãi trước cái chết trong cơn hấp hối tại vườn Giết-sê-ma-ni. Tuy nhiên, Chúa Giê-su còn đón nhận cái chết như một phần thiết yếu trong chương trình cứu độ Chúa Cha đã giao phó mà Ngài thực hiện cho tới khi hoàn tất dù có bị đe doạ tính mạng.



 Cuộc sống của mỗi ki-tô hữu cũng không kém những thách đố, đe doạ, khó khăn của xã hội thăng tiến hôm nay. Chúng ta có can đảm chấp nhận và vượt qua không?

 Đứng trước một lựa chọn nào phải chịu nhiều mất mát hy sinh, bạn có bình tĩnh chấp nhận? Thái độ của bạn ra sao khi đứng trước những sự chống đối?

 Khi gặp một điều trái với ý muốn, bạn dành một phút thinh lặng để nhớ tới Chúa và xin Ngài ban ơn giúp sức để vượt qua.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết sống trọn giây phút hiện tại, chu toàn mọi công việc được giao phó, để con an tâm và sẵn sàng bất cứ lúc nào Chúa đến gọi con.(TL.net)

Posted By Phượng Nguyễn19:21

PHÚC ÂM: Lc 6, 12-19 "Người chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ".(28-10)

Filled under:


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.


Trong những ngày ấy Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ: Đó là Simon mà Người đặt tên là Phêrô và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là nhiệt thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt, kẻ phản bội. Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđôn đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người.  Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM:“Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.” (Lc 6,12)

 Silouanne là một đan sĩ già đáng kính, sống đơn sơ thánh thiện. Suốt nhiều năm thầy coi sóc cơ xưởng cho tu viện. Trong xưởng có một số thanh niên nghèo từ miền quê lên làm việc để kiếm tiền giúp gia đình. Một hôm các tu sĩ hỏi Ngài: “Thưa thầy, làm sao thầy có thể bảo bọn thợ kia làm việc chăm chỉ đến thế mà không cần canh chừng họ, trong khi chúng con không rời mắt khỏi họ, mà họ vẫn lừa được chúng con?”. Thầy trả lời: “Tôi cũng không rõ, chỉ biết rằng mỗi sáng tôi đến xưởng và luôn cầu nguyện cho họ, tôi đến với họ bằng quả tim yêu thương. Khi bước vào xưởng, tôi phân công cho họ rồi ra về với quyết định sẽ cầu nguyện cho họ trong suốt cả ngày”.
  Dù tất bật với việc rao giảng và chữa lành bệnh tật, Đức Giê-su luôn dành cho mình một thời gian cầu nguyện riêng với Đức Chúa Cha mọi lúc và mọi nơi. Chúng ta cũng được mời gọi sống cầu nguyện mỗi ngày, nhờ đó chúng ta có thể biết được điều Chúa muốn trên cuộc đời của mình và có được sức mạnh cho các hoạt động đông đồ. “Thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới đến hoạt động” (ĐHV.119)

Tôi đang thực hành việc cầu nguyện và sống thái độ cầu nguyện trong những công việc hằng ngày của mình thế nào?
  “Lương thực cuả Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34)
 CẦU NGUYỆN:Lạy Chúa, xin giúp con hiểu và biết siêng năng tìm đến với Chúa trong giờ cầu nguyện, là nguồn tình yêu, sức mạnh và ý nghĩa của cuộc đời chúng con. Amen.(TL.net)


Posted By Phượng Nguyễn03:25

PHÚC ÂM: Lc 13, 18-21 "Hạt cải mọc lên và trở thành một cây to".

Filled under:


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.


Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó".

Người lại phán rằng: "Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM:
Chúa Giê-su nói: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì?” (Lc 13,18)

Để rao giảng về Nước Trời, Chúa Giê-su đã phải cân nhắc “phải ví Nước ấy với cái gì đây”. Nước Trời, một thực tại nhiều người mong đợi nhưng chưa ai nhìn thấy, đã được nói đến nhiều nhưng thường hay bị hiểu lầm. Chúa Giê-su cân nhắc rồi Chúa đã chọn cách dùng dụ ngôn để nói về Nước Trời.

 Có người kể chuyện một gánh xiếc về miền quê lưu diễn. Đang chuẩn bị diễn buổi khai trương thì gánh xiếc bốc cháy. Một diễn viên đang đóng bộ cánh chàng hề chạy vội vào làng để kêu người đến giúp chữa cháy. Dân làng được một phen cười no bụng và cho rằng gánh xiếc đã nghĩ ra một lối quảng cáo thật hay. Đến khi họ hiểu ra anh hề có ý báo tin đám cháy thực sự thì cả gánh xiếc đã ra đống tro tàn. Bạn thân mến, việc loan báo Tin Mừng của chúng mình cũng trở thành trò hề nếu chúng mình không nói được thứ ngôn ngữ cho người đương thời hiểu được sứ điệp tình yêu của Đức Ki-tô.

 Xin bạn đọc lại và suy gẫm giáo huấn của Giáo Hội: - “Nên theo phương pháp sư phạm có tính khơi gợi, dùng những câu chuyện, dụ ngôn, biểu tượng rất đặc trưng với phương pháp giảng dạy của Á Châu.”[1][1] - “Để chân lý Phúc Âm trở nên trong suốt, dễ hiểu, dễ đón nhận, ta phải dùng những phương tiện phù hợp với con người hôm nay. Đó là biết sử dụng ngôn ngữ, cách diễn tả phù hợp với văn hoá và tâm lý người đương thời.”[2][2]
 CẦU NGUYỆN:
 Lạy Chúa, xin hãy dùng con làm khí cụ loan báo Tin Mừng bình an cho những người anh chị em đồng bào của con.(TL.net)

Posted By Phượng Nguyễn03:19

PHÚC ÂM: Lc 13, 10-17 "Chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc người con gái của Abraham này trong ngày Sabbat sao?"

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, nhân ngày Sabbat, Chúa Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Và đây có một người đàn bà bị quỷ ám làm cho bà đau yếu đã mười tám năm. Bà bị khòm lưng, hoàn toàn không thể trông lên được. Khi Chúa Giêsu xem thấy bà, Người liền gọi bà đến mà bảo rằng: "Hỡi bà kia, bà được khỏi tật của bà". Rồi Người đặt tay trên bà ấy, tức thì bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa.

Nhưng viên trưởng hội đường tức giận, vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat, nên ông cất tiếng bảo dân chúng rằng: "Có sáu ngày người ta phải làm việc: vậy thì các người hãy đến xin chữa bệnh trong ngày đó, chớ đừng đến trong ngày Sabbat".

Chúa trả lời và bảo ông ta rằng: "Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabbat, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã mười tám năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabbat sao?"

Khi Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người đều hổ thẹn, và toàn dân vui mừng vì những việc lạ lùng Người đã thực hiện. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM:
 Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ ám làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền.” (Lc 13,11-12)

Suy niệm: Trong Thánh Kinh, bệnh tật là hậu quả của tội lỗi. Người đàn bà bị quỷ ám này còng lưng đã lâu; bà không ngước nhìn lên cao được, cái nhìn của bà là mặt đất, chỉ giới hạn trong vùng đất nhỏ trước mặt, không thể nhìn xa hơn, không thể thấy người quanh mình. Mặc cảm và bệnh tật khiến bà càng xa lánh mọi người và cả Thiên Chúa nữa. Nhưng Chúa Giê-su không hề muốn tình trạng bà cứ vậy mãi, cứ không thấy Ngài mãi, nên Ngài đã đi bước trước. Trông thấy bà, Chúa Giê-su gọi bà lại, giải thoát bà khỏi tội và cho bà đứng thẳng như một con người, có khả năng ngước nhìn lên cao. Thánh Phao-lô cho biết, ngước nhìn lên cao là khả năng của những người thuộc về Chúa, những người chú tâm tìm kiếm những sự trên trời (x. Cl 3,2). Nhờ lời Chúa, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền, có khả năng ngước lên cao sống mối tương quan với Chúa và với mọi người. Và đáp lại lòng thương của Chúa, bà hết lòng ngợi ca Thiên Chúa.

 Có những khối nặng đang làm tâm hồn bạn “còng” xuống, khối nặng vật chất, khối nặng tội lỗi, khối nặng tự ái, khiến bạn không còn muốn thấy Chúa và cộng đoàn. Bạn cần ngồi lại đối diện với Chúa và xét xem, điều gì đang làm bạn “còng” xuống và xin Chúa chữa lành.
 Xét mình hằng ngày trước khi đi ngủ và tạ ơn Chúa.
 CẦU NGUYỆN:


 Lạy Chúa, Chúa thấy con và Chúa muốn chữa lành con. Xin Chúa cứ thực hiện nơi con điều Chúa muốn.(TL.net)

Posted By Phượng Nguyễn03:14

PHÚC ÂM: Mc 10, 46-52 "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy".

Filled under:


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.


Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: "Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi". Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: "Hỡi con vua Đavít, xin thương xót tôi".

Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: "Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh". Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: "Anh muốn Ta làm gì cho anh?" Người mù thưa: "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy". Chúa Giêsu đáp: "Được, đức tin của anh đã chữa anh". Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM:Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường… Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi.”(Mc 10,46-47)
  Giữa muôn ngàn âm thanh hỗn độn, đối với người mù đang ăn xin ngoài thành Giê-ri-cô, chỉ có tên Giê-su mới thực sự là lời có ý nghĩa và sức mạnh cứu chữa cho anh. Thế nên vừa nghe đó là Đức Giê-su Na-da-rét anh liền đáp lại bằng lời kêu xin phát xuất từ lòng tin: “Lạy ông Giê-su, xin dủ lòng thương tôi.” Chính Chúa Giê-su đã xác nhận “lòng tin của đã cứu anh” nhờ đó “anh nhìn thấy được và đi theo Người.”

Cuộc sống chúng ta ngày nay cũng tràn ngập âm thanh. Có những âm thanh ta muốn nghe, được nghe. Có những âm thanh ta bị nghe, quấy rầy hoặc tra tấn ta. Tuy nhiên, trong những âm thanh đó, điều quan trọng là chúng ta nhận biết âm thanh nào thực sự là “lời cứu độ,” lời yêu thương mà Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta.

Trong một thế giới ồn ào xao động, đầy dẫy những thông tin như hiện nay, bạn thường xử lý cách nào để “lòng đạo’’ của mình không bị chao đảo? Bạn có dễ dàng để mình trở thành nạn nhân của những thông tin “thập cẩm’’ đó không?

 Mỗi ngày dành một khoảng lặng để chăm chú lắng nghe Lời Chúa nhờ đó có thể nhận ra Lời Ngài ở giữa những âm thanh xô bồ của cuộc sống.

CẦU NGUYỆN:Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe Lời Chúa vì Lời Chúa là sức sống của con, là ánh sáng đời con.(TL.net)

Posted By Phượng Nguyễn03:09

PHÚC ÂM: Lc 13, 1-9 "Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".

Filled under:


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Người lên tiếng bảo: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê đó bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế; nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".

Người còn nói với họ dụ ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: Kìa, đã ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!" Nhưng anh ta đáp rằng: "Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân: may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi".  Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM:
“Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” (Lc 13,4)


 Cha ông chúng ta vẫn khuyên dạy con cháu: “gieo gió gặt bão”, “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”... Và trong Thánh Kinh, các câu chuyện như lụt Hồng Thuỷ, thành Sô-đô-ma bị tàn phá,v.v… cũng thường được giải thích theo quan niệm báo ứng ấy. Không lạ gì người Do Thái thời Chúa Giê-su, cũng như chúng ta ngày nay, thích áp dụng nguyên tắc nhân quả “ác giả ác báo” nhưng là áp dụng cho người khác! Trước hai tai hoạ xảy ra gây chết nhiều người, họ kết luận ngay rằng những nạn nhân “tội lỗi hơn mọi người khác” nên mới bị thảm hoạ như vậy. Đành rằng, nếu gieo gió thì có thể sẽgặt bão, song Chúa Giê-su khuyên mỗi người không nên hồ đồ xét đoán người khác, nhưng hãy xem các biến cố đó là cơ hội giúp ta xét lại chính mình mà trở về với nẻo chính đường ngay. Vì chỉ Thiên Chúa mới có quyền phán xét chung cuộc trên mọi người.

 “Sám hối” là từ thường gặp trong Thánh Kinh, nó được kêu gọi bởi Gio-an Tẩy Giả, Chúa Giê-su, các tông đồ và hôm nay luôn được lặp lại nơi sứ điệp của Giáo Hội. Bởi sám hối là động thái tiên quyết để đón nhận ơn cứu độ. Còn sống là còn cơ hội để sám hối! Nếu không tận dụng tốt cơ hội Chúa ban thì Ngài sẽ cất đi như cây vả không chịu sinh trái (x. Lc 13,6-9).

 Vì sao chúng ta thích xét người hơn là xét mình?

 Nhớ lại những lần mình đoán xét sai về người khác để quyết tâm từ bỏ tật xấu này.
 CẦU NGUYỆN:
 Lạy Chúa, sám hối thật khó biết bao, bởi chúng con không đủ khiêm tốn để nhận rằng mình lầm lỗi. Xin ban ơn giúp sức để chúng con vượt qua sự kiêu căng tự phụ của mình.(TL.net)

Posted By Phượng Nguyễn03:05

PHÚC ÂM: Lc 12, 54-59 "Các ngươi biết tìm hiểu diện mạo trời đất? Còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu?"

Filled under:


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.


Khi ấy, Chúa Giêsu phán bảo dân chúng rằng: "Khi các ngươi xem thấy đám mây nổi lên ở phía tây, lập tức các ngươi nói rằng: Trời sắp mưa; và sự thật xảy ra như thế. Và khi gió nam thổi đến, thì các ngươi nói: Trời sắp nóng nực. Và việc đã xảy ra như thế. Hỡi những kẻ giả hình, các ngươi biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu? Tại sao các ngươi không tự mình phê phán điều gì phải lẽ? Thế nên, khi ngươi cùng với kẻ đối phương ra trước mặt quan quyền, thì đang lúc đi dọc đường, ngươi hãy cố lo liệu cho ổn thoả với nó đi, kẻo nó lôi ngươi đến trước quan toà, và quan toà trao ngươi cho lý hình và lý hình tống ngươi vào ngục. Ta bảo cho ngươi hay, ngươi sẽ không thể ra khỏi đó cho đến khi nào trả xong đồng xu cuối cùng".  Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM:
“Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải? (Lc 12,57)
  Để điều trị bệnh, trước hết bác sĩ phải chẩn đoán, xét nghiệm. Để xúc tiến một cuộc đầu tư sản xuất hay kinh doanh, nhà doanh nghiệp bắt đầu bằng việc nghiên cứu thị trường (tình hình cung cầu, khả năng cạnh tranh, những cơ hội, những rủi ro…). Trước khi sắp xếp một chuyến đi, người đi lại tìm hiểu diễn biến của thời tiết. Nói chung, trong mọi lãnh vực, việc bắt mạch và dự báo là rất quan trọng. Dự báo sai có thể dẫn tới những thảm họa khôn lường (như trường hợp dự báo sai đường đi của cơn bão Chanchu hồi tháng 5/2006). Cũng vậy, cung cách sống đạo và loan báo Tin Mừng của chúng ta hôm nay, để được đúng hướng, cần bao gồm việc nghiêm túc XEM và XÉT các ‘dấu chỉ của thời đại’, chứ không thể chỉ nhắm mắt chúi mũi LÀM! Chúa Giêsu cảnh tỉnh chúng ta: “Sao các người không tự mình xem xét cái gì là phải?”

 Mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống đều chuyển tải thông điệp của Chúa. Chúng ta cần phải bình tâm và khôn ngoan nhận định để biết đâu là điều Ngài muốn cho ta, trong những chọn lựa hằng ngày và nhất là khi phải đưa ra những quyết định quan trọng.

 Kinh nghiệm của bạn về ích lợi của việc áp dụng phương pháp Xem-Xét-Làm? Cách nào để đạt được sự bình tâm?

Nhìn mọi biến cố trong đời sống với cái nhìn của Chúa. Siêng năng cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.

CẦU NGUYỆN:Lạy Chúa, cuộc sống có bao điều con phải cân nhắc và chọn lựa. Xin cho con luôn biết khôn ngoan nhận định, luôn đủ quảng đại và dũng cảm để chọn lựa những gì đẹp lòng Chúa.(TL.net)

Posted By Phượng Nguyễn02:59

PHÚC ÂM: Lc 12, 49-53 "Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ".

Filled under:


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng".  Đó là lời Chúa.
 SUY NIỆM:“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”(Lc 12,49)

Lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su biết trước những đau khổ phải chịu, và Chúa sẽ phải chịu chết. Nhưng lòng Chúa vẫn nung nấu lửa yêu thương chúng ta. ‘Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên’. Chúa “ném lửa” tình yêu để đẩy lui sự chia rẽ, lửa tha thứ để đẩy lui hận thù, lửa chân thật để đốt tiêu tan sự giả dối, lửa bừng sáng để đẩy lui bóng tối tội lỗi. Lửa Chúa ném vào tâm hồn chúng ta và Chúa mong ước đến cùng là lửa ấy bùng cháy. Lòng Chúa khắc khoải để truyền “hết lửa” cho chúng ta cũng được đầy lửa, dù cái giá Chúa phải chịu là đón nhận một phép rửa cuối cùng, tức là hy sinh mạng sống của Chúa để cứu chúng ta.

 Trong gia đình, nếu không có lửa tình yêu thì làm sao cha mẹ có động lực để tần tảo nuôi con, chăm sóc con từng ly từng tí, lo cho con chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, bồng ẵm trên tay, nâng niu trên đầu gối. Trong Giáo hội, nếu tình yêu tắt ngúm thì các Tông đồ sẽ chẳng loan báo Tin Mừng nữa, các vị Tử đạo sẽ chẳng muốn đổ máu nữa. Hôm nay, Chúa đã ném lửa tình yêu của Chúa trong tôi và Chúa muốn tôi bùng cháy lửa tình yêu.

 Làm thế nào để giữ lửa và bùng cháy lửa mà Chúa đã ném vào cõi lòng chúng ta?

 Chia sẻ niềm vui, hy vọng cho người mà bạn gặp gỡ là tiếp tay “ném lửa” tình yêu của Chúa Ki-tô.

 CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ném lửa tình yêu vào lòng chúng con, và Chúa luôn khắc khoải để lửa chúng con bùng cháy thành tình yêu nồng nàn đối với tha nhân. (TL.net)

Posted By Phượng Nguyễn02:53

PHÚC ÂM: Lc 12, 39-48 "Người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều".

Filled under:



Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy hiểu biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".

Phêrô thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?" Chúa phán: "Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: 'Chủ tôi về muộn', nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM:
 “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều.” (Lc 12,47)
  Người tôi tớ khôn ngoan là người biết ý chủ mình. Người tôi tớ tài giỏi là người đã biết suy đoán ý chủ lại còn luôn tỉnh thức sẵn sàng chu toàn việc bổn phận của mình (x. Lc 17,10), và trung thành sinh lợi cho chủ từ những việc rất nhỏ (x. Lc 19,17). Trái lại, hình ảnh phản diện là tên đầy tớ lười biếng bất trung, lại còn lu loa đổ thừa tại ông chủ khắc nghiệt (x. Lc 19,21), tên đầy tớ này chỉ làm cho ông thêm tức giận và, phần mình, hứng chịu hậu quả cơn thịnh nộ của ông mà thôi.

 Sự bất ngờ Chúa muốn nói chính là việc Ngài quang lâm ngự đến xét xử trần gian, và đối với mỗi cá nhân là cái chết của mình. Ngày ấy tất yếu sẽ đến và việc chuẩn bị sẵn sàng chẳng bao giờ là thừa. Đó chính là thái độ của người tôi tớ trung thành và khôn ngoan, được Thiên Chúa là vị chủ nhân lành khen thưởng và cho vào hưởng hạnh phúc với Ngài (x. Mt 25,21).

 Diarmuid O’Murchu nhận định: “Kẻ nào biết mở lòng trí mà đọc các dấu chỉ của thời đại là những kẻ sẽ đóng góp hữu ích nhất trong những tình huống quyết định cho vận mệnh con người”.Trước những biến động của thế giới hiện tại, nhận định trên có giúp bạn xác tín hơn vào lời Chúa dạy không?

 Sống tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách: -1/ Quyết tâm chu toàn việc bổn phận hôm nay mỗi khi bắt đầu một ngày mới; -2/ Xét mình về những việc bổn phận ấy vào cuối mỗi ngày.
 CẦU NGUYỆN:
 Lạy Chúa, xin giúp con sống như người tôi trung của Chúa, luôn tỉnh thức và sẵn sàng làm theo lời Ngài dạy con.(TL.net)

Posted By Phượng Nguyễn02:48

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

PHÚC ÂM: Lc 12, 35-38 "Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức".

Filled under:


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.


Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM:
“Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.” (Lc 12,38)
  Chủ nhân các xí nghiệp ngày nay muốn tăng hiệu suất làm việc của công nhân thường dùng ‘chiêu’ tạo cho họ có cảm tình gắn bó với xí nghiệp như là gia đình của mình. Còn người tôi tớ trong dụ ngôn của Chúa Giê-su không phải là người thợ làm công ăn lương sau khi lao động ngày tám tiếng rồi về nhà mình; trái lại, người ấy ở luôn tại nhà chủ như người ăn kẻ ở trong nhà. Vì thế, dù phải thức đến canh hai hoặc canh ba, người đó vẫn chờ để mở cửa khi chủ trở về. Hạnh phúc cho kẻ phụng sự Chúa như người tôi trung không phải là sẽ được tăng lương mà thật bất ngờ: chủ sẽ đổi thân phận làm đầy tớ phục vụ họ: “Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (c. 37).

 Phải chăng Chúa đã không gọi các môn đệ Ngài là bạn hữu đó sao? Ngài đã không thân hành rửa chân cho họ đó sao? Và phải chăng Chúa đã không yêu các bạn hữu Ngài đến nỗi chịu chết vì những người Ngài yêu đó sao? Thật phúc dường nào khi được phụng sự Chúa và được Ngài đối xử như bạn hữu, như con cái, được thừa hưởng gia nghiệp vĩnh cửu với Ngài.

 Chúa muốn bạn làm gì khi nói: “Các con cũng hãy rửa chân cho nhau”?

 Quyết tâm chu toàn thật tốt việc bổn phận của bạn với tấm lòng tận tuỵ của người tôi trung.
 CẦU NGUYỆN:
 Lạy Chúa, kể sao cho xiết ơn Chúa dành cho con; tình yêu Chúa đánh động tận đáy lòng con. Con sẽ bội bạc với Chúa biết chừng nào nếu con không yêu Chúa với tất cả con người và cuộc sống của con. Lạy Chúa, con xin dâng hiến cuộc đời con để phụng sự Chúa như người tôi trung.(TL.net)

Posted By Phượng Nguyễn02:44

PHÚC ÂM: Lc 12, 13-21 "Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?"

Filled under:


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.


Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi". Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?" Rồi người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu".

Người lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: 'Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?' Đoạn người ấy nói: 'Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi, mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi!" ' Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: 'Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?' Vì kẻ tích trữ của cải cho mình, mà không làm giàu trước mặt Chúa, thì cũng vậy".  Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM:“Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” (Lc 12,21)
  Đồng tiền liền khúc ruột. Chả thế mà người ta “lu bu tối ngày” để làm ra tiền. Có tiền đã khó, sử dụng đồng tiền càng khó hơn. Đồng tiền như thể có một ma lực khó kiềm chế. Nó gây ra điều tốt mà cũng có thể là căn cớ cho điều ác. Chúa Giê-su cũng hay đá động đến chuyện tiền bạc. Ngài không chỉ vẽ cách làm giàu, nhưng dạy cách sử dụng tiền của một cách khôn ngoan. Người giàu trong bài Phúc Âm đáng trách không phải vì ông ta giàu hay là làm ăn gian giảo, nhưng vì ông nghĩ rằng mìnhcó tiền mua tiên cũng được: ông chỉ lo tích trữ rồi hưởng thụ mà không lo tìm Nước Thiên Chúa. Lối sống như thế, Chúa Giê-su gọi là thiếu khôn ngoan.

Xã hội ngày nay có xu hướng đánh giá con người theo khả năng tài chính. Đồng tiền đang được đề cao. Tiền có thể trở thành một ông chủ và biến ta thành tên nô lệ cho nó. Nếu không cảnh giác, chúng ta sẽ dễ dàng đầu tắt mặt tối làm ra thật nhiều tiền của, rồi chạy đua theo việc mua sắm tiêu dùng mà xao lãng làm cho thêm đậm đà tình Chúa, vun đắp cho ấm áp tình người. Ki-tô hữu không khinh chê tiền của, nhưng biết rõ giới hạn và nhất là mối đe doạ của nó.

 Dù thu nhập của bạn có thế nào đi nữa, ít nhất bạn cũng có thể trích một khoản tiền bằng “đồng tiền của bà goá” trong Phúc Âm để dành vào việc chia sẻ.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, cũng như đồng tiền phải sinh lời, xin Chúa giúp con biết dùng của cải Chúa ban để sinh lời cho Nước Trời.(TL.net)

Posted By Phượng Nguyễn02:32

CARITAS PHÚ CƯỜNG ĐÓN MỪNG NĂM THÁNH NGÀY 24-10-2015 TẠI NHÀ THỜ CHÁNH TÒA PHÚ CƯỜNG

Filled under:

Tĩnh Tâm là cơ hội quý giá để Ban Bác Ái Xã Hội Caritas các Giáo xứ thuộc Giáo phận Phú Cường chung tâm tình tạ ơn và hãnh diện vì được là một tổ chức trong hệ thống Caritas Việt Nam và Caritas Quốc Tế, hoạt động dưới sự hướng dẫn của Hội Thánh, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Giám Mục Giáo phận.
Lúc 8g sáng ngày 24-10-2015 cha Micae Lê văn Khâm- Tổng Đại diện, Giám đốc Ban Bác Ái Caritas Phú Cường Khai mạc buổi Tĩnh Tâm cùng với sự hiện diện của Ban giảng huấn của Tỉnh Dòng Thánh Thể VN, 2 giáo dân chia sẻ đời sống chứng nhân, quý tu sĩ, và 211 anh chị em thuộc 57 Giáo xứ trong Giáo phận Phú Cường tham dự.

 Đề tài "Hoạt động của Hội Thánh- Những điều kiện cần phải có" được cha Micae diễn giải thật xúc tích:
Ý thức rằng công tác bác ái vẫn luôn cần thiết ngay trong xã hội công bằng nhất (s.28,b). Hoạt động của Hội Thánh phải độc lập khỏi các đảng phái và ý thức hệ, nhưng có thể cộng tác với những tổ chức thiện chí. . . phải tránh thái độ chiêu dụ Tín đồ (proselytismus); không làm hạ phẩm giá người nhận nhưng là giúp họ phát triển toàn diện bằng con tim yêu thương, phải thực hiện bằng tinh thần đạo đức, rút ra từ sự cầu nguyện, noi gương các Thánh Nhân và noi theo hướng dẫn của Hội Thánh. Và quan trọng hơn, những Thông Điệp của Hội Thánh do Đức Thánh Cha viết về vấn đề bác ái xã hội vẫn là kim chỉ nam qúy báu cho những ai muốn hoạt động bác ái xã hội một cách trong sáng và hiệu quả (s.27).
Lúc 9g Cha Antôn Nguyễn Minh Thuấn qua bài Tin mừng Mt (14, 13-21) "Chính anh em hãy lo cho họ ăn" Ngài trao cho các môn đệ sứ vụ: Hãy phân phát tấm bánh này cho mọi người. Với trái tim yêu thương của lòng bác ái, cuộc đời của người tín hữu vốn là cuộc lữ hành đức tin đến với những người đau yếu, bệnh tật, người có hoàn cảnh khó khăn cần được nâng đỡ. Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ. Mục đích phục vụ, đối tượng phục vụ của người hội viên Caritas với tấm lòng rộng mở, biết tha thứ và cho đi, là sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa qua Mẹ Maria đến đỉnh cao Thánh Thể- là suối nguồn bác ái, tất cả làm vinh quang Thiên Chúa được tỏ rạng.
Cha Gioan kimViễn Châu thiết tha kêu gọi các hội viên Caritas hãy siêng năng dự Thánh lễ và Rước lễ, là cơ hội giúp người tín hữu cảm nhận những hồng ân Chúa tặng ban, ưu tiên chọn sống mật thiết với Chúa Giêsu.Vì Chúa đã nhập thể, Loan báo Tin mừng cứu độ, đi vào cuộc khổ nạn và Phục sinh để trở thành tấm bánh bẻ ra, trao ban, dưỡng nuôi chữa lành mọi bệnh tật hồn xác cho nhân loại.
Vào lúc 10g, 211 hội viên Caritas và quý tu sĩ hân hoan chào đón Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước- Giám mục giáo phận Phú Cường đến huấn giảng: Hồng ân Kim Khánh vẫn đang tuôn trào, chủ đề chính của Năm Thánh, khám phá đặt mình vào đời sống Giáo hội. Trong ý thức đó phục vụ tình bác ái sao cho chính mình hiện thân "Dung mạo xót thương" khi đến với anh em, qua cử chỉ, lời nói, việc làm.
Đức cha khuyến khích mỗi Giáo xứ có nhà Chầu Thánh Thể, để mọi người năng chạy đến Chúa, tìm lấy sức mạnh nơi Chúa Giêsu Thánh Thể, sống hết lòng với mọi người.
Với 2 chứng nhân giáo dân nói về đời sống thiết thực của mình, với những ơn lành Chúa ban, thúc đẩy mọi người sám hối vì những thờ ơ bấy lâu, vì những lỗi phạm, mau đến gần Chúa hơn, để thực thi Bác ái.
Thánh lễ đồng tế diễn ra trong bầu không khí ấm cúng do đức cha Giuse chủ tế, Cha Micae Lê văn Khâm, cha Giuse Nguyễn Phát Tài và quý cha đồng tế. Đoạn Tin Mừng về Dụ ngôn Người Samari nhân hậu (Lc10, 25-37). Đức cha nhấn mạnh đến sự nhẫn nhịn, lăng nhục, sỉ vả, thách đố trong đời sống để phục vụ bác ái dễ dàng, và cách cho đi trong sự tế nhị, biểu lộ Lòng Chúa Thương xót đến với anh em.
Thánh lễ kết thúc vào lúc 12g15, mọi người dùng bữa trưa và ra về trong bình an với quyết tâm: bẻ bánh đời mình thành tấm bánh trao dâng cho tha nhân, chọn đời sống Thánh Thể qua Bác ái Thương xót, sẽ là suối nguồn, động lực và thần lương giúp hội viên Caritas xây dựng Nước Trời giữa trần gian này.



































Posted By Phượng Nguyễn01:52