Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

PHONG TRÀO CURSILLO TIẾN VÀO THẾ KỶ 21

Filled under:



Phong Trào Cursillo Tiến vào thế kỷ 21

 Nguyễn Đức Tuyên

 

Người Kitô hữu chúng ta đã khởi sự bước vào thế kỷ 21 sau ba năm chuẩn bị đón mừng Năm Thánh 2000 bằng cách suy gẫm trong cầu nguyện về bản tính Thiên Chúa - Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần - và những chủ đề căn bản về đời sống Kitô hữu. Trong năm Hồng Ân vừa qua, chúng ta đã sống và thực hành những chỉ dạy trong Tông sắc "Mầu Nhiệm Nhập Thể" đề cập đến tư tưởng, mục đích và chương trình Năm Thánh 2000 một cách cụ thể đồng thời dấn thân vào Năm Hồng Ân trọng đại.

Tiến vào thế kỷ mới Phong trào chúng ta làm gì

Ngoài việc thực hiện những hướng dẫn sẵn có của Giáo hội và Phong trào, thiết tưởng chúng ta phải học hỏi thêm những tài liệu mới liên hệ trực tiếp tới hướng đi của Giáo hội và Phong trào trong thế kỷ mới như: “Tông huấn về Giáo hội Á châu”, “Tông thư Bước vào Thiên niên Kỷ mới”, được sơ lược về những điểm cốt lõi sau đây, và tài liệu “Những thách đố và trách nhiệm của Phong trào Cursillo ngày nay”, đã ghi toàn văn trong phần trước. Sau đó chúng ta sẽ phác họa một vài nét chính yếu như những viễn tượng của thế kỷ mới.

I. Chủ điểm của tông huấn Giáo hội tại Á Châu

Tông huấn Giáo hội tại Á châu là một tài liệu phong phú mang nhiều nét thời đại đối với người Á châu trên hoàn vũ. Ở đây chúng ta chỉ rút ra những chỉ dẫn chính:

Mầu nhiệm Nhập Thể

Chúa Giêsu sinh ra, đi giảng dậy, nhận cái chết và sống lại tại miền Tây Á Châu, nên đất này đã trở thành miền hy vọng cho cả nhân loại. Cùng với các Giáo hội hoàn vũ, Giáo hội tại Á châu sẽ bước vào Thiên Niên Kỷ Thứ Ba trong niềm ngưỡng mộ rằng “nếu trong thiên niên kỷ thư nhất Thánh Giá Chúa đã được dựng lên tại Âu Châu, thiên niên kỷ thứ hai tại Mỹ châu và Phi châu, thì cũng nguyện ước rằng thiên niên kỷ thứ ba này là mùa gặt hái lớn về Đức Tin sẽ chín mùi tại lục địa vĩ đại và đầy sức sống của Á châu”.

Là lục địa lớn nhất thế giới, Á châu mang một bức tranh muôn mầu sắc của các nền văn hóa, tôn giáo, truyền thống, ngôn ngữ và niềm tin khác nhau, là thành phần chính yếu của lịch sử và di sản gia đình nhân loại.
Giáo hội và truyền thống Á châu

Giáo hội tỏ lòng cung kính và ngưỡng mộ tất cả các truyền thống tinh thần Á châu và muốn dấn thân trong cuộc đối thoại chân thành với các tín hữu các tôn giáo. Những giá trị mà các tôn giáo giảng dậy biểu hiện sự chờ đón viên mãn trong Đức Giêsu Kitô.

Đặc tính về truyền thống tôn giáo và văn hóa Á châu như yêu thinh lặng, chiêm niệm, đơn sơ, hòa hợp, có khuynh hướng thoát tục, không bạo lực, ham làm việc, kỉ luật, sống phó thác, khao khát học hỏi và tìm kiếm triết lý cho cuộc sống. Người Á châu cũng rất mực tôn trọng sự sống, từ tâm với mọi sinh vật, sống gần thiên nhiên, hiếu thảo với cha mẹ, kính trọng người già và thờ kính tổ tiên, đặc biệt có ý thức phát triển cao độ về tình liên đới cộng đồng. Người Á châu coi gia đình là nguồn cội của sức mạnh, gắn bó khắng khít tình nghĩa đồng bào và cộng đồng liên đới. Người Á châu thực có tinh thần độ lượng dung hợp tín ngưỡng và sống chung hòa bình.

Mặc dù ngày nay bị ảnh hưởng nặng nề của đà tân tiến hóa và trần tục hóa, các tôn giáo Á châu vẫn chứng tỏ sức sống mãnh liệt trong khả năng canh tân qua các phong trào cải tiến và các nhóm tôn giáo khác nhau. Vì vậy, Giáo hội có thể rao truyền Phúc Âm trong một cách thế rất hợp và theo sát với cả truyền thống của Giáo hội mà cũng hợp với tâm hồn Á châu.
Người Giáo Dân

Do ân sủng và ơn gọi của bí tích Thanh Tẩy và Thêm sức, tất cả giáo dân là thừa sai; lãnh vực hoạt động tông đồ của họ là những thế giới mênh mông và phức tạp, gồm có chính trị, kinh tế, kỹ nghệ, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật và thể thao.

Bổn phận của các vị chủ chăn là bảo đảm sao cho người giáo dân được huấn luyện làm người rao giảng Tin Mừng, có khả năng đương đầu với các thách đố của thế giới ngày nay, không phải với sự khôn ngoan và hiệu năng trần thế, nhưng với tâm hồn được đổi mới và được tăng cường bằng chân lý Đức Kitô. Khi làm chứng cho Tin Mừng trong mọi lãnh vực cuộc sống trong xã hội, người giáo dân có thể đóng vai duy nhất trong việc nhổ tận gốc sự bất công và áp bức, và để làm được như vậy họ phải được huấn luyện đầy đủ.

Sự kiện Giáo hội là một Giáo hội cho mọi người tham gia, nơi đây không một ai bị loại trừ, và sự tham gia rộng rãi hơn của nữ giới trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội tại Á Châu, chính là một nhu cầu thúc bách riêng. Nữ giới nên tham gia nhiều hơn nữa vào những chương trình mục vụ, trong giáo phận, giáo xứ, hội đồng mục vụ và công nghị giáo phận. Khả năng và công tác của họ nên được đón nhận trong lãnh vực y tế, giáo dục, trong việc chuẩn bị trung thành với các bí tích, trong việc xây dựng cộng đồng và thực hiện hòa bình.
Gia Đình

Gia đình chiếm một chỗ đứng rất quan trọng trong nền văn hoá Á Châu; các giá trị gia đình như lòng hiếu thảo, tình yêu thương và sự chăm sóc người già và bệnh hoạn, sự yêu mến trẻ và sự hài hòa, đều được quý trọng nhiều trong tất cả các nền văn hoá và truyền thống tôn giáo Á Châu.

Gia đình Kitô hữu, cũng như Giáo hội xét chung, phải là một nơi mà chân lý Tin Mừng là luật sống và là ân huệ mà các phần tử gia đình mang đến cho cộng đồng rộng lớn hơn. Các gia đình Kitô hữu ngày nay được kêu gọi làm chứng cho Tin Mừng trong những thời gian và hoàn cảnh khó khăn, khi chính gia đình bị một loạt quyền lực đe dọa. Muốn trở nên thành viên rao giảng Tin Mừng trong một giai đoạn như thế, gia đình Kitô cần phải trở nên thật sự là "Giáo hội tại gia", sống ơn gọi Kitô hữu cách khiêm tốn và trong tình yêu. Điều này có nghĩa là gia đình phải hoạt động trong đời sống giáo xứ, chia sẻ các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và bí tích Sám hối, và dấn thân phục vụ tha nhân. Điều đó cũng có nghĩa là cha mẹ phải cố gắng dùng những lúc mà gia đình hội họp cách tự nhiên, làm dịp thuận tiện để cầu nguyện, đọc và suy niệm Thánh Kinh, cử hành những nghi lễ xứng hợp do cha mẹ chủ sự. Điều đó sẽ giúp gia đình Kitô trở nên tổ ấm Phúc Âm hoá, nơi mà mỗi phần tử kinh nghiệm tình yêu Thiên Chúa và truyền sang cho nguời khác. Các trẻ em có vai trò trong việc rao giảng Tin Mừng, vừa ở gia đình của chúng vừa ở trong cộng đồng rộng lớn hơn.
Giới Trẻ

Nhiều vấn đề phức tạp mà giới trẻ bây giờ phải đương đầu, trong thế giới Á Châu đang thay đổi, thúc giục Giáo hội nhắc nhở giới trẻ nhớ đến trách nhiệm đối với tương lai của xã hội và Giáo hội. Cần khuyến khích và nâng đỡ giới trẻ ở mọi cấp bậc, để chắc chắn thấy họ sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm. Đối với giới trẻ, Giáo hội cung ứng chân lý Tin Mừng như là một mầu nhiệm đầy vui tươi và khai phóng. Đó là chân lý mà họ phải học biết, sống và chia sẻ với niềm xác tín và can đảm.

Nếu giới trẻ phải trở nên những người truyền giáo, thì Giáo hội cần phải cung ứng cho họ sự chăm sóc mục vụ xứng hợp. Những trường công giáo và các giáo xứ giữ vai trò trọng yếu trong việc huấn luyện cho giới trẻ, bằng cách tìm cách hướng dẫn họ trên con đường làm môn đệ thật sự và làm phát huy nơi họ những đức tính nhân bản mà sứ vụ đòi hỏi. Những tổ chức tông đồ giới trẻ và những câu lạc bộ giới trẻ đã được tổ chức, có thể cung ứng kinh nghiệm về tình bạn Kitô hữu, mà còn giúp hướng nghệ, đào tạo về ơn gọi và cố vấn cho giới trẻ.

Truyền Thông Xã Hội

Trong thời đại toàn cầu hoá, "những phương tiện truyền thông xã hội đã trở nên quan trọng đến nỗi đối với nhiều người, nó trở thành những phương tiện chính để thông tin và giáo dục, hướng dẫn và tác động, trong cách cư xử của họ, với tư cách cá nhân, gia đình và trong lòng xã hội. Đặc biệt, giới trẻ đang lớn lên trong một thế giới chi phối bởi truyền thông đại chúng”. Vai trò đặc biệt do các phương tiện truyền thông xã hội nắm giữ trong việc hình thành thế giới, các nền văn hoá và những cách suy nghĩ của nó, đã đưa tới những thay đổi mau lẹ và lan rộng trong các xã hội tại Á châu.

Sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Giáo hội cũng không thể tránh bị ảnh hưởng sâu xa do truyền thông đại chúng. Từ khi truyền thông đại chúng gây được ảnh hưởng lớn mạnh cho tới cả những vùng xa xôi của Á châu, người ta có thể tham dự được cách rộng rãi vào việc rao giảng Tin Mừng ở mọi miền lục địa. Dầu vậy, "việc dùng truyền thông chỉ để phổ biến sứ điệp Kitô giáo và giáo huấn đích thực của Giáo hội vẫn chưa đủ. Cần phải hội nhập sứ điệp này vào trong 'văn hoá mới' tạo ra do những truyền thông hiện đại.

2. Tông Thư "Bước Vào Thiên Niên Kỷ Mới"

Tông thư nhấn mạnh tới nhiệm vụ của Giáo hội, sau một năm Hồng ân, được mời gọi "ra khơi" và đối diện với những thách đố tương lai.

Gặp gỡ Đức Kitô, gia tài của Đại Năm Thánh

Gợi lại những sứ điệp mà Thánh Thần đã trao ban cho Giáo hội suốt năm Hồng ân với những thời điểm có ý nghĩa, từ bước mở đầu đại kết tại Đền thờ thánh Phaolô đến hành vi tha thiết "thanh tẩy ký ức", từ cuộc hành hương Đất thánh đến những cuộc gặp gỡ với đủ mọi thành phần trong đó có sự lưu tâm đặc biệt được dành cho các người trẻ, mà Năm Thánh đã để lại một ấn tượng sâu sắc. Năm Thánh được xem như một biến cố hồng ân, hi vọng rằng đã đánh động được hàng triệu trái tim trên con đường hoán cải và sinh nhiều lợi ích cho tương lai.
Chiêm ngắm mầu nhiệm Đức Kitô

Từ những chiều kích nền tảng về mầu nhiệm Nhập Thể hướng tới cách thức làm vang vọng lại lời thánh Phêrô thốt lên khi tuyên tín như một nền tảng trường tồn: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16). Tông thư trước tiên phác hoạ lại những nét lịch sử của Đức Kitô, tiếp đó, đi sâu vào việc chiêm ngắm khuôn mặt Ngài nơi mầu nhiệm thần tính và nhân tính, .và cuối cùng chăm chú vào vẻ huy hoàng của biến cố sống lại.

Ơn gọi phổ quát sống thánh thiện.

Điểm chính yếu Giáo hội nhắm tới, khi đề nghị những lý tưởng cao cả và không bằng lòng với một tâm tình tôn giáo hời hợt. Từ đó nảy sinh nhu cầu giúp tái khám phá kinh nguyện phụng vụ ở chiều sâu, dựa trên nền tảng là di sản phong phú về mục vụ và thần bí của hai ngàn năm lịch sử.

Giáo hội đặc biệt mời gọi tái khám phá Ngày Chúa nhật, biểu tượng lễ Phục sinh hằng tuần, nơi đó bí tích Thánh Thể là trung tâm. Tiếp theo là lời mời gọi thực hành bí tích Hoà giải và tầm quan trọng của việc lắng nghe Lời Chúa. Sau hết, việc tân Phúc âm hoá là lời mời gọi, nếu đã được nhắc đi nhắc lại thì sau Năm thánh càng khẩn thiết hơn bao giờ hết.
Hiệp thông và chứng nhân tình yêu

Sự hiệp thông là trung tâm của mầu nhiệm Giáo hội. Trong Giáo hội có những lãnh vực và những phương tiện sống hiệp thông mang hình dạng thể chế xác định, tuy nhiên chúng sẽ trở thành những bộ máy vô hồn nếu ta không được nuôi dưỡng bằng một "linh đạo hiệp thông” đích thực. Trong số những dấn thân nổi bật nhất là sự dấn thân đại kết, để sống luôn mãi, với mọi anh em trong đức tin và sự hiệp nhất. Tiếp theo đó là tình bác ái huynh đệ, "thách đố" lớn của mục vụ. Bức tranh cuối cùng là chứng tá can đảm mà các Kiitô hữu được mời gọi thể hiện trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội và văn hoá, nhất là tại những nơi mà sự hiện diện của men Tin Mừng trở nên đặc biệt cấp bách: từ những vấn đề liên quan đến gia đình và gìn giữ sự sống, đến những vấn đề đặt ra do sự hủy hoại môi trường sinh thái và những thí nghiệm khoa học thiếu quy chiếu đạo đức.

Bức tông thư kết luận bằng cách gợi lên lời mời gọi của Đức Giêsu với thánh Phêrô trong đoạn mẻ cá kỳ diệu: Duc in altum! – Ra khơi, thả lưới sâu - ." Cửa thánh đóng lại”, nhưng "cánh cửa sống động" là Đức Giêsu Kitô vẫn mở ra luôn mãi.

Những vấn đề đặt ra

1. Trước hết, mọi hoạt động của Phong trào, ngoài việc cầu nguyện liên lỉ, phải lấy ánh sáng của 3 tài liệu nêu trên làm bước chỉ đường trong việc đáp ứng và thực hiện những thao thức trong thế kỷ mới.

2. Nhìn về phía trước, chúng ta không thể không tự hỏi: hướng đi tới của Phong trào là gì? Phong trào sẽ đi về đâu, những gì đang chờ đợi chúng ta?

3. Viễn tượng của Phong trào, theo sự hiểu biết của chúng tôi, nhắm hai tiêu điểm:

a. Mỗi cộng đồng Kitô hữu đích thực phải tuôn trào sức sống trên những cá nhân và môi trường mình giao tiếp, qua những thành viên và sự hiện diện của cộng đồng. Nên ghi nhớ rằng Phong trào cần tìm kiếm và khám phá ra những nhóm hiệu năng ở mọi giai tầng xã hội để Phúc Âm hóa họ rồi họ có thể Phúc Âm hóa môi trường đang sinh sống. Mục tiêu của chúng ta không phải là cải đổi cá nhân mà chính là giúp những cá nhân đó hình thành những nhóm môi trường trong xã hội.

b. Hãy mường tượng ra một giấc mơ điển hình, nếu như trong một Hội đồng thị xã, văn phòng thị xã, cơ quan cảnh sát, nghiệp đoàn, cơ sở thương mại, hội giáo chức, cơ quan xã hội, di trú, truyền thanh, truyền hình, sắc tộc v.v... mỗi nơi có một nhóm môi trường gồm những người sống trong ơn gọi của phép Rửa (không nhất thiết là cursilistas) để thay đổi phương cách điều hành, tập quán, lối sống v.v.. trong thị xã, để làm cho môi trường trở nên Kitô hơn, thậm chí chỉ cần nhân bản hơn, thì ảnh hưởng trong thị xã đó sẽ ra sao. Thực tế hơn nữa, trong một công đoàn công giáo nhỏ bé, nếu mọi tín hữu –giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân –thay đổi phương cách điều hành, thay đổi tập quán, lối sống, cách cư xử, thực sự sống chứng nhân ... thì ảnh hưởng trong cộng đoàn đó sẽ ra sao.

4. Sau hết, trong việc áp dụng, tài liệu của Phong trào còn khuyến cáo:

a. Hãy hình thành một Nhóm nhỏ của những người lãnh đạo, cùng nhau cam kết dấn thân dành toàn thời cho Phong trào như một ơn gọi đặc biệt. Đây không phải là cam kết trong một vài tuần hay vài tháng mà thường xuyên liên tục họp nhóm, học hỏi, trao đổi thân tình, nâng đỡ nhau và hoạch định chương trình để thiết lập những nhóm môi trường khác.

b. Quí vị giáo sĩ, tu sĩ làm sao có thể hy sinh thì giờ tham gia toàn thời vào Nhóm lãnh đạo để đem lại sức sống Kitô sâu xa cho nhóm, thể hiện quí vị chính là linh hồn của Nhóm lãnh đạo.

Một vài suy nghĩ

Sau khi đã đề ra một số điểm cụ thể nêu trên, chúng tôi lại xin mở ra một chân trời mới: Có cách gì hội nhập văn hóa Việt nam vào Phong trào? Làm sao phát triển Phong trào ngành Việt nam trong bối cảnh ngôn ngữ của thế hệ kế tiếp? Chúng ta đã chuẩn bị những gì cho tương lai Phong trào ở Việt nam?

1. Hội nhập văn hóa, theo nghĩa rộng, là thích ứng về mặt văn hóa, nghĩa là tùy theo từng tình huống thay đổi của từng thời điểm mà hành động hay ứng xử cho phù hợp. Cụ thể hơn, hội nhập văn hóa là thích ứng việc diễn tả sứ điệp Chúa Kitô và đức tin Kitô giáo theo cung cách văn hóa của dân tộc và của thời đại. Bản chất của hội nhập văn hóa là phải diễn tả đức tin hay tâm tình tôn giáo sao cho phù hợp với cung cách văn hóa của con người hay dân tộc

Đối với Phong trào, anh Đào Văn, chủ tịch Phong trào Âu châu, trong một lá thơ viết cho chúng tôi, có ghi: ”Cursillo là một cuộc sống, là một phương pháp học hỏi dựa trên qui nạp hơn là diễn dịch, nên nó phong phú và đa dạng lắm. Không phải ta luôn luôn nhất trí, vì mỗi dân tộc, mỗi đất nước, mỗi hoàn cảnh đều không giống nhau”.

Nói như vậy, vấn đề đặt ra là sinh hoạt của Phong trào ngành Việt nam có nên nhất nhất phải theo chỉ thị của trung ương hay phải biết áp dụng sao cho phù hợp với tâm tình của người Việt, mà chính Tông huấn về Á châu cũng chân nhận.

2. Phong trào ngành Việt nam, một đàng muốn thu hút người trẻ tham gia như là một nhịp cầu thế hệ, đàng khác đang phải chứng kiến việc những người trẻ gần như chẳng hiểu hoặc hiểu rất ít những gì trong các bài chia sẻ bằng tiếng việt. Như vậy chúng ta phải chọn lựa thế nào: để cho họ tham gia các khóa học của người địa phương và nếu như vậy thì tương lai của ngành Việt nam sẽ ra sao, hoặc tiếp tục mở các khóa bằng tiếng việt thì sẽ mở được trong bao lâu nữa. Có một giải pháp nào để duy trì ngành Việt nam trong những năm tới?

3. Trong một tương lai không xa, việc tái tạo lại Phong trào Cursillo tại miền đất Việt nam thân yêu của chúng ta sẽ phải sẩy ra. Chúng ta đã chuẩn bị những gì hôm nay và khi thời cơ đến.

Theo thiển ý, trong hiện tại, các cursullistas đang sống ở hải ngoại, nên thường xuyên liên lạc với bên nhà, trao đổi tin tức, chia sẻ cảm nghiệm và nếu có thể, chuyển tài liệu sẵn có cho anh chị em và khuyến khích anh chị em tiếp tục duy trì những nhóm nhỏ và sống chứng nhân. Qua tiếp xúc, chúng tôi thật cảm kích được biết trong những năm qua, anh chị em cursillistas đã kiên trì và sống chứng nhân trong mọi hoàn cảnh ơ bên nhà. Chúng ta có nên soạn thảo những tài liệu ngắn gọn với ngôn từ đại chúng hơn cho anh chị em ở Việt nam?

Khi hoàn cảnh cho phép, thiết nghĩ việc cung cấp tài liệu, hoạch định những khóa bồi dưỡng cho những cursillista cũ ở Việt nam, để anh chị đó thấy được những hướng đi mới của Phong trào và Giáo hội là điều cần thiết. Sau đó mới nói tới việc tiếp tục mở khóa mới với những cố gắng canh tân và hội nhập văn hóa trong một Giáo hội và xã hội đã chuyển mình.

Kết luận

Trong tài liệu của Phong trào có một lời khuyên chí lý là việc xây dựng Phong trào cũng giống như người đi trên mặt nước, không thể dựa vào sức người được. Trong Matthêu có đoạn: ”Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lớn: ”Thưa Ngài, xin cứu con với!”.Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói:” Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”( Mt 14: 29-31). Chúng ta đừng để mắt tới gió bão như Phêrô mà quên mất Chúa. Trái lại chúng ta phải bám chặt lấy Chúa Kitô là Đấng có đủ quyền phép giúp ta hoàn thành mọi sự. Nếu chúng ta quá ưu tư, lo lắng thì đấy là dấu hiệu chúng ta chỉ tin vào sức mình khi bước đi trên mặt nước. Chúng ta cần phải cậy dựa hoàn toàn vào Thầy Chí Thánh với niềm xác tín là Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta trong khi làm việc cho Ngài.



**********************************************












0 nhận xét:

Đăng nhận xét